Có nhiều cách để điều trị cơn đau trong ung thư.

Không phải cứ đau dữ dội là khối u đang lớn lên
Thông tin về bất cứ tổn thương tại mô hay hệ thần kinh nào trong cơ thể đều được truyền dọc theo dây thần kinh cảm giác lên não bộ, kích hoạt cảm giác đau. Đau do ung thư cũng không ngoại lệ.
30 – 50% bệnh nhân ung thư phải chịu nhiều hơn 1 loại đau. Đau thường gặp hơn ở ung thư giai đoạn tiến triển (ung thư đã lan rộng hoặc quay trở lại sau đợt điều trị trước đó). Cứ 10 bệnh nhân ung thư tiến triển thì có tới 7 – 9 người có cảm giác đau ở các mức độ khác nhau.
Nhiều bệnh nhân, khi bị cơn đau dữ dội hành hạ, thường cho rằng khối ung thư đang lớn dần lên. Nhưng thực tế thì mức độ đau không phải lúc nào cũng phản ánh mức độ lớn lên của khối ung thư. Khối u nhỏ vẫn có thể gây cảm giác đau tột độ nếu nó chèn ép lên dây thần kinh cảm giác hoặc tủy sống. Ngược lại, rất nhiều bệnh nhân không đau, đó là bởi không có dây thần kinh nào bên trong nội tại khối ung thư đó.
Trong một vài trường hợp, các phương pháp chữa trị ung thư (phẫu thuật, xạ trị…) có thể làm khởi phát hoặc khiến cơn đau trở nên nặng hơn, do lúc này, hệ thần kinh được tái cấu trúc từ các mô thần kinh bị tổn thương trong quá khứ. Điều đó đồng nghĩa với việc, cơ thể người bệnh không đáp ứng với các liệu pháp điều trị đau thông thường, mà cần phải được can thiệp bằng cách biện pháp điều trị đau chuyên sâu hơn. Nhưng, cũng phải lưu ý thêm rằng, cơn đau được điều trị hiệu quả không có nghĩa là ung thư đã thoái lui.
Dù rằng đau trong ung thư không phải lúc nào cũng liên quan đến khối u, nhưng vẫn có thể làm bệnh trở nên nặng nề hơn, do nó ảnh hưởng tới cơ thể lẫn cảm xúc của người bệnh.
Thang đánh giá mức độ đau trong ung thư.

Các phương pháp điều trị đau trong ung thư.
Đau là trải nghiệm mang tính cá thể - một loại đau có thể “hành hạ” người này nhưng có thể lại chỉ ở ngưỡng “vừa phải” với người khác. Do đó, cách điều trị đau với mỗi người lại khác nhau. Một phác đồ điều trị đau hiệu quả với người này, nhưng lại không có tác dụng gì với người kia, vì vây dân gian mới có câu:” bà Chúa đứt tay bằng ăn mày sổ ruột” hay "nhà nghèo dẫm phải gai mồng tơi”…
Ngày nay, cùng với sự hiểu biết sâu về sinh lý bệnh của đau cùng với sự phát triển của nhiều phương pháp giảm đau khác nhau (can thiệp không dùng thuốc, thủ thuật can thiệp giảm đau, dùng thuốc giảm đau đa mô thức), các bác sĩ giảm đau và chăm sóc giảm nhẹ sẽ có liệu trình điều trị đau phù hợp với mỗi người trong mỗi giai đoạn của bệnh ung thư.
Mỗi cá nhân cụ thể sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng loại đau, ở từng giai đoạn, nhằm kiếm soát tốt hơn triệu chứng đau một cách toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mỗi phác đồ được đưa ra đều có sự phối hợp, bàn thảo của đội ngũ các bác sĩ điều trị đau, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dinh dưỡng….
Bởi, chúng tôi nhận thức rằng mỗi người bệnh ung thư là một cá thể độc lập, cần một sự quan tâm chăm sóc riêng biệt. Không chỉ điều trị bệnh ung thư mà việc kiểm soát tốt các triệu chứng, trong đó có đau, luôn luôn được ưu tiên ở mọi giai đoạn bệnh.
Ngoài việc dùng thuốc uống, thuốc tiêm thì những biện pháp can thiệp điều trị đau với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm thần kinh, máy X quang với màn hình tăng sáng, máy chụp cắt lớp vi tính… sẽ phong bế đường dẫn truyền đau từ ngoại vi lên não, giúp giảm đau cho người bệnh.
Đặc biệt, với các bệnh nhân đáp ứng kém với thuốc uống, thuốc tiêm thì can thiệp bằng các thủ thuật hiện đại nhất trên thế giới là giải pháp được áp dụng. Ví dụ như:
- Hủy dây thần kinh bằng cồn để điều trị đau do khối u xâm lấn dây thần kinh ngoại vi
- Hủy đám rối mặt trời trong đau nội tạng ở ung thư dạ dày, ung thư tụy…
- Hủy đám rối hạ vị trong các ung thư xâm lấn vùng tiểu khung như ung thư cổ cung, ung thư tiền liệt tuyến
- Gây tê ngoài màng cứng liên tục, gây tê tủy sống với buồng tiêm nội tủy để chăm sóc và kiểm soát triệu chứng giai đoạn cuối….
Bệnh nhân đang được xạ trị

5 thông tin quan trọng bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ
Với bệnh nhân, việc mô tả chính xác cảm giác đau là vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần trả lời 5 câu hỏi cơ bản dưới đây càng chính xác, cụ thể càng tốt:
- Đau như thế nào: như kiến đốt, như dao cứa, như bị bỏng?
- Đau ở đâu: ở một vị trí nào, lan ra đâu?
- Đau xuất hiện như thế nào: từ từ hay đột ngột?
- Điều gì giúp giảm đau: xoa bóp, thay đổi tư thế, nóng, lạnh?
- Tần suất xuất hiện: liên tục, đau ngắt quãng?

Không nên ngần ngại hay trì hoãn việc nói với bác sĩ điều trị rằng mình bị đau. Rất nhiều người bệnh sợ bị phụ thuộc hay nghiện thuốc điều trị đau nên không dám hỏi bác sĩ, không yêu cầu được giúp đỡ triệt để, không tuân thủ liệu trình điều trị đau thích hợp hoặc bỏ thuốc…. Tất cả những lý do này dẫn đến tình trạng đau ngày một nặng hơn và rất khó kiểm soát.
Trên thực tế, việc điều trị cơn đau được đánh giá là tốt khi người bệnh không cảm thấy đau trong lúc nằm hoặc vận động, rất hiếm người bị nghiện thuốc giảm đau. Đau có thể được giải quyết nếu chẩn đoán và điều trị đúng cách. Càng được điều trị sớm chừng nào thì việc kiểm soát được đau càng dễ đạt được hiệu quả chừng đó.
Vinmec

Nhận xét